Hoạt động Thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, năm 2019 cả nước có tốc độ tăng trưởng TMĐT đạt trên 32%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỉ USD. Dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô TMĐT Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỉ USD.
Tại Bình Dương, hoạt động TMĐT diễn ra khá sôi nổi, nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được Sở Công Thương triển khai nhằm giúp các doanh nghiệp trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích cũng như nâng cao ý thức về lợi ích của TMĐT, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các mô hình phát triển TMĐT hiệu quả. Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 đã khuyến khích và hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn tham gia vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng và hiệu quả này với nhiều hoạt động cụ thể như tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về TMĐT; tổ chức các lớp bồi duỡng đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực về TMĐT; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; nâng cao kiến thức và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT cho các cơ quan ban ngành trong tỉnh…
Nhờ những nỗ lực đó, giao dịch thương mại điện tử tại Bình Dương những năm gần đây phát triển khá nhanh so với mặt bằng chung cả nước. Tại diễn đàn TMĐT Việt Nam 2020 vào ngày 25/6/2020 vừa qua, Bình Dương tiếp tục được xếp thứ 5 về chỉ số TMĐT (EBI), chỉ đứng sau các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phục tạp như hiện nay, TMĐT nổi lên như một kênh bán hàng hữu hiệu và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Người tiêu dùng có xu thế chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến nhiều hơn để tránh tiếp xúc xã hội, tiết kiệm chi phí đi lại, hạn chế được những rủi ro về sức khỏe khi mua sắm tại nhà.
Theo thống kê của Nielsen về ảnh hưởng của Covid-19 đến người Việt trong thời gian dịch bệnh cho thấy: 45% người dân lưu trữ thức ăn tại nhà; rên 50% giảm tần suất ghé siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ; 25% tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến; 82% giảm các hoạt động ăn uống bên ngoài; 63% khẳng định họ sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến dù Covid-19 có qua đi.
Ở một diễn biến khác, các doanh nghiệp cũng thích nghi rất nhanh với tình hình mới thông qua việc thay đổi phương thức vận hành, tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng vận hành của doanh nghiệp và nhân viên, khai thác các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng (làm việc luân phiên, làm việc online tại nhà, họp hành, gặp gỡ khách hàng trực tuyến…).
Như vậy, có thể nói Covid-19 một phần có tác động tích cực đến sự phát triển TMĐT trong năm 2020 và nhiều khả năng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương đang khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, theo đó sẽ tiếp tục hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực hoạt động TMĐT thông qua các chương trình đào tạo về TMĐT, hỗ trợ định hướng, xây dựng chiến lược và đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển TMĐT tỉnh Bình Dương lên một tầm cao mới. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ hỗ trợ hàng ngàn hóa đơn điện tử, hàng chục tài khoản phần mềm truy xuất nguồn gốc hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, dự án xây dựng sàn TMĐT sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động, bước đầu sẽ vận động 100 doanh nghiệp tham gia giao dịch B2B trên sàn, tiến tới thu hút được 300 doanh nghiệp vào năm 2021./.
Thanh Tâm – Quản lý thương mại – Socongthuong.binhduong